TÌM HIỂU CÔNG NGHỆ MD (MINIDISC)

GIỚI THIỆU CÔNG NGHỆ MINI DISC:

KHÁI NIỆM VỀ ĐĨA MINIDISC:

Đĩa MiniDisc (MD) là loại đĩa quang – từ, có thể lưu trữ được 74 phút và sau này là 80 phút dữ liệu audio đã được số hóa hoặc 1 gigabyte (1GB) dữ liệu audio dưới dạng Hi-MD. Các đầu phát MD hiệu SONY đã được bán trên thị trường bắt đầu từ tháng 9 năm 1992 cho đến tận tháng 3 năm nay (2013).

MiniDisc được SONY phát minh và công bố vào tháng 9 năm 1992, sau đó được thị trường hóa tại Nhật Bản vào tháng 11, thị trường Âu - Mỹ vào tháng 12 cùng năm đó (1992). Định dạng âm nhạc công nghệ MD dựa trên công nghệ nén dữ liệu audio riêng ATRAC, tuy nhiên vẫn có một tùy chọn công nghệ ghi kỹ thuật số PCM tuyến tính được giới thiệu mới nhất cho phép đạt được chất lượng âm thanh có thể so sánh với đĩa CD. MiniDiscs đã một thời rất thông dụng tại Nhật Bản nhưng vẫn còn xa lạ với nhiều nơi khác. 

Đĩa MD thương mại đầu tiên được phát hành tại Mỹ có tên MTV Unplugged do ca sĩ kiêm nhạc sĩ Mariah Carey trình diễn vào ngày 7 tháng 12 năm 1992.

Hãng SONY còn thông báo rằng họ sẽ ngưng phát triển thiết bị MD, việc bán thiết bị MD cuối cùng sẽ là vào thời hạn tháng 3 năm 2013. Nếu đúng như vậy thì anh em là FAN của MD vẫn còn hy vọng kiếm được các em MD Deck cao cấp và xinh đẹp.

Đầu ghi/phát MDS-JA50ES dòng HI END của SONY


Đĩa MD thông thường
 
 
KHÁI QUÁT VỀ LỊCH SỬ THỊ TRƯỜNG MINIDISC:

MiniDisc của SONY là một trong hai hệ thống kỹ thuật số được kỳ vọng sẽ mang tính cạnh tranh cao với các hệ thống khác được phát minh bởi hãng tên tuổi Philips. Hệ thống này được SONY giới thiệu vào năm 1992. Việc phát triển công nghệ này nhắm vào cùng lúc 2 mục tiêu chiến lược của SONY:

1- Thay thế cho băng Compact Cassette của Philips (loại băng tương tự trong hệ thống âm thanh nổi tiếng một thời mà chúng ta đã biết. Loại băng này được hãng Philips nổi tiếng phát minh ra năm 1962 và đến ngày 30/8/1963 được giới thiệu lần đầu tiên tại châu Âu). Lúc này các chiêu, trò nâng cao kỹ thuật từ sản xuất băng, cho tới đầu từ, các kỹ thuật ghi, lọc âm thanh analog…cho băng từ Cassette của các nhà sản xuất đã đi đến giới hạn mà vẫn không thể giải quyết được vấn đề chất lượng do cơ cấu cơ học cố hữu vận hành băng Cassette.
 
Băng Compact Cassette

2- Một sự thay thế khác đó là nhằm thay thế kỹ thuật của băng Cassette số DCC (Digital Compact Cassette) do sự hợp tác, phát minh của hai hãng Philips và Matsushita cũng được giới thiệu vào năm 1992. Bởi DCC chính là mối lo ngại lớn của SONY trong quá trình cạnh tranh công nghệ, sản xuất sản phẩm, nên SONY quyết tâm đầu tư công nghệ đưa ra MD là đối thủ cạnh tranh với DCC.

 
  
   
       Băng Digital Compact Cassette - DCC (Băng Cassette số - rất hiếm ở Việt nam)


Cũng cần phải nói thêm rằng, trước đó Sony cũng đã dự định đầu tư đưa ra công nghệ DAT (Digital Audio Tape) cũng là định dạng ghi âm audio kỹ thuật số để thống trị, thay thế các băng audio tương tự. Nhưng do sự chậm trễ kỹ thuật, DAT đã không kịp được ra mắt, cho đến năm 1989, khi này đồng đô la Mỹ bị mất giá làm tăng giá đồng Yên Nhật. Lúc đầu SONY dự tính rằng các đầu máy đọc băng DAT sẽ được giới thiệu ra thị trường khoảng 400 USD vào cuối năm 1980 nhưng bây giờ do đồng Đô la mất giá, đầu máy bán lẻ tới tay người tiêu dùng đã tăng lên 800 USD hoặc thậm chí đến 1000 USD. Với mức giá như vậy trong lúc nền kinh tế thế giới suy thoái thì hầu như chúng đã nằm ngoài sức mua của hầu hết người tiêu dùng. Ngoài lý do trên công nghệ DAT còn gặp rắc rối khi Hiệp hội Công nghiệp ghi âm Mỹ (RIAA) ra phán xét ngăn cản việc nhập khẩu đầu đọc băng DAT do lo ngại vấn đề bản quyền và sao chép lậu kỹ thuật số từ LP, CD quá dễ dàng…


 
                                        
   Băng DAT (Digital Audio Tape)
 

Thời gian đó chỉ một số lượng nhỏ đầu DAT được sản xuất và bán ra trên thế giới mặc dù chất lượng của nó được đánh giá là xuất sắc và được dùng trong các phòng thu Studio (Từ năm 1987 cho đến năm 2005 SONY đã bán được khoảng 660.000 đầu đọc băng DAT ra trên toàn thế giới).

Vậy là anh em ta hy vọng ngoài số lượng các em đầu DAT đã bị làm ve chai thì vẫn còn tồn tại số lượng lớn về Việt Nam cho anh em ta chơi…

Kỹ thuật DAT được cho là sử dụng cho các phòng thu chuyên nghiệp, nhưng SONY cũng vẫn cố gắng đưa ra một định dạng đơn giản hơn, một định dạng kỹ thuật số dùng cho gia đình mang tính kinh tế hơn đó là các đầu DAT gia dụng. Vào thời gian đó SONY cũng giới thiệu công nghệ MD vào cuối năm 1992 cùng thời gian mà hãng Philips giới thiệu công nghệ cạnh tranh DCC (Digital Compact Cassette). Điều này đã gây ra một sự nhầm lẫn trên thị trường (giữa hai loại băng) cũng giống như trận chiến định dạng băng từ VHS và Beta vào những năm 1970 cho đến đầu nhưng năm 1980. SONY đã cố gắng giành được bản quyền công nghệ MD trước các nhà sản xuất khác như JVC, Sharp, Pioneer, Panasonic và một số nhà sản xuất khác nữa. Tất cả các nhà sản xuất khác cũng đều sản xuất hệ thống công nghệ MD riêng của mình. Tuy nhiên các đầu máy MD mà không phải do SONY sản xuất đã không được sử dụng rộng rãi ở bắc Mỹ, còn các công ty khác như Technics, Radio Shack,…lại có xu hướng cổ súy cho việc phát triển kỹ thuật DCC của Philips.

Mặc dù có một số lượng khách hàng trung thành (chủ yếu là nhạc sĩ và những người đam mê âm thanh), MiniDisc chỉ đạt được một số thành công hạn chế. Thiết bị MD ngày đó đã được phổ biến tương đối ở Nhật Bản trong những năm 1990, nhưng ở các thị trường khác trên thế giới đã không đạt được doanh số mong muốn. Sau đó đĩa CD có khả năng ghi được (Recordable CDs), bộ nhớ flash và các máy nghe nhạc kỹ thuật sử dụng số ổ cứng đã được giới thiệu vào năm 1998 đã trở nên ngày càng phổ biến làm cho MD dần bị thu hẹp thị trường.

Sự hấp thụ thấp của thị trường đối với thiết bị MD còn là do các hãng thu âm còn lạ lẫm đối với định dạng âm thanh mới, giá cả thiết bị và đĩa MD ban đầu còn cao, đó chính là một nhân tố, là rào cản đối với người dùng. Do giá cả các đầu MD Deck còn cao nên phần lớn người tiêu dùng thông thường đã phải sử dụng cách đấu nối thiết bị MD cầm tay (Portable Player) vào hệ thống nghe nhạc HIFI để ghi âm audio. Điều bất tiện này là đối nghịch với việc sử dụng phổ biến đầu ghi phát Cassette hồi đó. 

Công nghệ MiniDisc đã phải đối mặt với sự cạnh tranh mới mạnh mẽ từ các tập đoàn sản xuất CD ghi được (CD-R) khi nó đạt được chi phí hợp lý cho người tiêu dùng trong những năm 1995. Ban đầu, SONY tin tưởng rằng sẽ phải mất một thập kỷ cho giá đĩa CD-R trở thành giá cả phải chăng mà người dung chấp nhận được (bắt đầu từ 12 USD/ 1 đĩa CD-R trắng vào năm 1994). Tuy nhiên, giá CD-R đã giảm rất nhanh chóng, đến độ CD-R trắng đã giảm xuống dưới 1,00 USD vào cuối những năm 1990, so với hơn 2,00 USD cho một đĩa trắng MiniDisc 80 phút.

 

      Đĩa CD-R dùng để ghi nhạc số



       Các đĩa Minidisc dùng để ghi - phát nhạc số


Sự cạnh tranh lớn nhất đối với MiniDisc đến từ sự xuất hiện của máy nghe nhạc MP3. Với các máy nghe nhạc nổi tiếng tại Mỹ mang nhãn hiệu Diamond Rio vào năm 1998, đã tạo ra một thị trường đại chúng với phương thức nghe nhạc mới: không dùng băng đĩa mà sử dụng các tập tin máy tính để phát nhạc cho các máy nghe nhạc MP3.

Đến năm 2007, do sự phổ biến định dạng nghe nhạc MP3 quá mạnh mẽ, đặc biệt là các máy nghe nhạc MP3 sử dụng bộ nhớ trạng thái rắn (solid-state MP3 players), Sony đã giới thiệu một mẫu đĩa Hi-MD MZ-RH1 (máy nghe nhạc MD MZ-M200 ở Bắc Mỹ đóng gói kèm với một Micro Stereo của SONY và một phần mềm hỗ trợ máy tính Macintosh).

Sự ra đời của máy nghe nhạc MZ-RH1 cho phép người dùng tự do chuyển đổi qua lại các bản ghi âm kỹ thuật số không nén từ MiniDisc tới một máy tính mà không có sự giới hạn bảo vệ bản quyền trước đây đã áp đặt lên các dòng NetMD. Điều này cho phép MiniDisc cạnh tranh tốt hơn với máy HD Recorder và máy nghe nhạc MP3. Tuy nhiên, ngay cả người dùng chuyên nghiệp như các đài truyền hình và phóng viên tin tức cũng đã bỏ rơi MiniDisc mà quay sang ủng hộ máy ghi âm MP3 sử dụng bộ nhớ trạng thái rắn do có thời gian ghi âm dài hơn, dễ dàng chia sẻ nội dung kỹ thuật số hơn, chất lượng ghi âm rất cao, bền bỉ và có thiết kế gọn nhẹ hơn.

Vào ngày 07 tháng 7 năm 2011, Sony đã công bố rằng đến tháng 9 năm 2011 họ sẽ ngưng vận chuyển các sản phẩm MiniDisc Walkman đến các Đại lý. Điều này cũng có nghĩa định dạng mới ra đời Hi-MD đã được khai tử.
Vào ngày 01 tháng 2 năm 2013, Sony đã đưa ra một thông cáo báo chí về chỉ số Nikkei chứng khoán rằng sẽ ngừng vận chuyển các thiết bị MD, nhưng các đầu MD vẫn sẽ được bán tới tháng 3 năm 2013. Tuy nhiên, SONY sẽ vẫn tiếp tục bán đĩa MD và cung cấp dịch vụ sửa chữa.


ĐĨA MINIDISC:



Có hai loại đĩa MD đó là Data MD và Audio MD

Đĩa Data MD:
Đĩa Data MD, một phiên bản cho việc lưu trữ dữ liệu máy tính, đã được SONY công bố trong năm 1993 nhưng chưa bao giờ đạt được nền tảng quan trọng cho hệ thống lưu trữ. Phương tiện lưu trữ này lại không tương thích với các đĩa Audio MiniDiscs tiêu chuẩn, mà đã bị chỉ trích là một trong những lý do chính cho sự thất bại của chính định dạng lưu trữ này.

Dữ liệu MD không thể ghi được vào các đĩa Audio MDs tiêu chuẩn mà chỉ có thể ghi được vào các đĩa trắng data rất đắt đỏ. Vào năm 1997, đĩa trắng MD-Data2 đã được giới thiệu, nó có khả năng chứa được 650 MB dữ liệu. Chúng chỉ sử dụng được với thời gian ngắn cho máy quay DCM-M1chạy đĩa MD của SONY, cũng như chỉ một số lượng ít ỏi các track âm thanh ghi âm được vào máy ghi Sony MDM-X4, Tascam của 564, Yamaha MD-8, MD-4, và MD4S (mà cũng sử dụng các đĩa Audio MDs tiêu chuẩn, mặc dù chỉ có 2 track).

Định dạng Hi-MD được giới thiệu vào năm 2004, đánh dấu sự trở lại đấu trường lưu trữ dữ liệu với 1 đĩa GB và có khả năng hoạt động như một ổ đĩa USB. Thiết bị đọc Hi-MD cho phép ghi âm, phát lại âm thanh và dữ liệu trên cùng một đĩa, và tương thích (cả âm thanh và dữ liệu) với các đĩa MiniDisc tiêu chuẩn. (Một đĩa MiniDisc trắng 80 phút có thể được định dạng để lưu trữ 305MB dữ liệu).


   Đĩa HI-MD có dung lượng lên tới 1 GB dữ liệu

Một số đặc tả vật lý của đĩa MD:

Đĩa được đặt cố định trong một vỏ nhựa (68 × 72 × 5 mm) có một cửa trượt, tương tự như vỏ của một "đĩa mềm 3.5. Màn trập này được mở ra tự động khi đưa đĩa vào máy đọc MD. Các đĩa âm thanh này cũng có thể là loại đĩa trắng được ghi được hoặc hoặc đĩa gốc. Đĩa MiniDisc ghi được sử dụng một hệ thống quang - từ tính để ghi lại dữ liệu. Một tia laser sẽ làm nóng một mặt của đĩa đến điểm Curie của nó, làm cho vật liệu trong đĩa nhạy cảm với từ tính. Khi này một đầu từ phía bên kia của mặt đĩa sẽ luân phiên thay đổi sự phân cực của vùng chịu nhiệt để ghi lại các dữ liệu kỹ thuật số vào đĩa. Việc phát lại (Playback) được thực hiện bằng tia laser: lợi dụng hiệu ứng Faraday, đầu đọc cảm nhận sự phân cực của ánh sáng phản xạ và do đó thông dịch lại là 1 hay là 0. Đĩa MD có thể ghi đi, ghi lại được nhiều lần. Sony tuyên bố việc ghi đi, ghi lại của đĩa MD có thể lên đến một triệu lần. Tính đến tháng 5 năm 2005, SONY đã có các loại đĩa MD 74 phút và 80 phút được sử dụng rất rộng rãi, điều này là khác xa với thời kỳ đầu mới công bố định dạng đĩa MD, người dùng rất hiếm khi được nhìn thấy chúng.

MD sử dụng một hệ thống phát quang học (optical playback) và xử lý tổng thể rất giống với hệ thống xử lý của đĩa CD. Tín hiệu ghi được của bản gốc (trên đĩa CD) và của đĩa MD là rất giống nhau. Phương thức điều chế EFM (Eight to Fourteen Modulation) và cơ chế sửa đổi mã CIRC của đĩa CD, gọi là ACIRC (Advanced Cross Interleaved Reed-Solomon Code) cũng được áp dụng giống nhau.

Sự khác biệt giữa băng Cassette và đĩa CD:

Các đĩa MD sử dụng kiểu lưu trữ quang - từ tính để lưu trữ dữ liệu. Không giống như các băng Cassette số (Digital Compact Cassette) hoặc các băng Cassette Analog, đĩa CD sử dụng cơ chế truy cập ngẫu nhiên do vậy việc tìm kiếm các track là rất nhanh. Đĩa MD thì lại có thể chỉnh sửa được một cách nhanh chóng kể cả trên các máy cầm tay. Các track âm thanh có thể được chia ra (split), kết hợp lại (combined), di chuyển (moved) hoặc xóa đi (deleted) một cách dễ dàng trên đầu phát MD hoặc trên máy tính PC (sử dụng phiên bản phần mềm SonicStage v4.3 cuối cùng của SONY cho PC).

Việc truyền tải dữ liệu từ một đầu phát MD đến một máy tính không phải Windows chỉ có thể được thực hiện trong thời gian thực, thông qua cổng quang vào/ra (I/O), bằng kết nối cổng audio ra của MD tới cổng audio vào của máy tính. Với việc phát hành định dạng Hi-MD, SONY đã phát hành phần mềm tương thích cho máy tính Macintosh. Tuy nhiên, các phần mềm tương thích máy tính Macintosh này vẫn chưa tương thích với các định dạng trước đó của MD (các tiêu chuẩn phát SP, LP2, LP4). Điều này có nghĩa rằng việc sử dụng một đĩa MD đã được ghi trước đó trên một thiết bị đời cũ hoặc được ghi theo định dạng trước đó thì vẫn cần phải dùng một máy tính chạy Windows để truyền tải dữ liệu với thời gian không thực (non-real time transfers).

Tại vị trí đầu đĩa có một bảng nội dung TOC (Table Of Content, còn được gọi là vùng "tập tin hệ thống" của đĩa), chứa các vị trí bắt đầu của các track âm thanh, cũng như các thông tin như tiêu đề (Title), tên nghệ sĩ (Artist) và các blocks trống. Không giống như các băng cassette thông thường, một bài hát đã được ghi không cần phải lưu trữ như một phần cố định trên đĩa, mà nó có thể được lưu trữ ở một số đoạn trên đĩa, tương tự như việc lưu trữ trên một ổ cứng. Trước đây thiết bị MD thiết kế một đoạn lưu trữ audio nhỏ nhất tương ứng với độ dài 4 giây đồng hồ. Các đoạn lưu trữ nhỏ hơn 4 giây sẽ không được lưu trữ thành track, chính vì vậy đã dẫn đến dung lượng sử dụng thực tế của đĩa bị thu nhỏ lại. Ngoài ra, các thiết bị thông thường cho người tiêu dùng cũng không có phương tiện chống phân mảnh cho đĩa .

Tất cả các thiết bị MiniDisc đối với người tiêu dùng phổ thông đều có sự bảo vệ bản quyền được gọi là: Hệ thống quản lý sao chép nối tiếp (Serial Copy Management System). Một đĩa không được bảo vệ hoặc bài hát có thể được sao chép mà không bị hạn chế, thì bản sao chép đó không thể ghi được dưới dạng kỹ thuật số. Tuy nhiên như một sự nhượng bộ đối với việc bảo vệ bản quyền này thì phần lớn các đầu phát Hi-MD gần đây lại có thể upload dữ liệu vào máy tính PC một tập tin (file) bản ghi kỹ thuật số rồi sau đó lưu lại được nhiều lần một tập tin dưới dạng WAV (PCM) rồi nhân bản nó nhiều lần.


CÔNG NGHỆ NÉN DỮ LIỆU TRÊN ĐĨA MD:

Nén dữ liệu âm thanh(Audio data compression):

Tín hiệu âm thanh được mã hóa dưới dạng tín hiệu số trên một đĩa MD thường sử dụng kỹ thuật nén dữ liệu ATRAC (Adaptive TRansform Acoustic Coding). Thực tế thì đây là một hệ thống làm giảm dữ liệu âm thanh mang tính "tâm lý học". Tức là nó lược bỏ bớt một số nội dung âm nhạc. SONY tuyên bố rằng những nội dung mà bị lược bỏ là phần dữ liệu không thể nghe được. Một số nguồn âm thanh nguyên gốc cho biết đã thắng thế so với kỹ thuật ATRAC mà tiêu biểu là kỹ thuật này sản sinh ra các nhiễu rú rít trong dòng dữ liệu.

Kỹ thuật ATRAC là một sáng chế của SONY giành riêng cho hệ MiniDisc, cùng một nội dung dữ liệu audio, một đĩa MD sẽ có dung lượng nhỏ hơn nhiều so với một đĩa CD thông thường (với âm thanh PCM tuyến tính stereo 16-bit). Điều đó có nghĩa kỹ thuật ATRAC đã giảm dòng dữ liệu từ 1,4 Mbit/giây của CD xuống còn 292 kbit/giây, như vậy tỷ lệ suy giảm dữ liệu là 5:1. Kỹ thuật ATRAC còn được sử dụng trên hầu hết các thiết bị Walkman dùng bộ nhớ Flash cho tới tận series 8, nhưng bây giờ thì kỹ thuật này chỉ được sử dụng trong các thiết bị MiniDisc của Sony (tính đến tháng 11 năm 2008). Như vậy kỹ thuật ATRAC chính là nền tảng cho các thông số kỹ thuật của MiniDisc.

Kỹ thuật mã hóa ATRAC của Sony có sự khác biệt với kỹ thuật PCM không nén ở chỗ nó là một phương pháp lược bỏ dữ liệu âm thanh có tổn hao âm thanh mang tính tâm lý học và như vậy là tín hiệu ghi không cần phải giải nén trong quá trình tái tạo âm thanh. Mặc dù vậy nó được dự tính rằng các tín hiệu âm thanh được tái tạo sẽ nghe có vẻ gần giống với bản gốc. Sự khác biệt này đủ thấy được khi nghe trên một hệ thống âm thanh chất lượng cao, khi đó sẽ thấy được sự khác biệt (thường thì các chương trình nén thực sự khác cũng có chung đặc điểm này nhưng ở một mức độ lớn hơn hoặc thấp hơn mà thôi).

SONY từng tuyên bố: Đã có bốn phiên bản của hệ thống lược bỏ dữ liệu ATRAC để các âm thanh tái tạo đạt được độ chính xác hơn so với bản gốc. Các máy đọc đĩa MD phiên bản đầu cũng được đảm bảo phát được các đĩa MD của phiên bản sau áp dụng kỹ thuật ATRAC mới bởi vì, như đã nói, kỹ thuật này không cần có quá trình xử lý việc tái tạo lại âm thanh. Phiên bản 1 chỉ cho phép sao chép trên thiết bị của người tiêu dùng ba hoặc bốn lần trước bản sao bị ngăn cấm. (khi này kỹ thuật ATRAC cố gắng lược bỏ dữ liệu tín hiệu mà đã được lược bỏ trước đó). Đến phiên bản 4, số lượng tiềm năng của các thế hệ bản sao đã tăng lên khoảng 15-20 bản tùy thuộc vào nội dung âm thanh.

Phiên bản ATRAC mới nhất của Sony là ATRAC3 và ATRAC3 plus, cả hai đều là phương pháp nén có mất mát dữ liệu và cả hai cần yêu cầu giải nén dữ liệu khi tái tạo âm thanh. ATRAC3 ban đầu chỉ có 132 kbit/giây (còn được gọi là chế độ ATRAC-LP2) là định dạng thường được sử dụng bởi các cửa hàng download âm thanh của Sony (nay không còn tồn tại nữa). ATRAC3 plus thì không thể sử dụng và không tương thích ngược với các đầu phát NetMD trước đó.

Trong tiến triển mới nhất của MiniDisc, Hi-MD, ghi và phát audio PCM tuyến tính không nén chất lượng CD đã đặt Hi-MD ngang ngửa với âm thanh chất lượng CD. Công nghệ Hi-MD cũng hỗ trợ cả ATRAC3 và ATRAC3 plus với các bitrate khác nhau, nhưng không phải là ATRAC gốc.


CƠ CHẾ HOẠT ĐỘNG VÀ BẢO VỆ CỦA ĐĨA MD:

  Cơ chế hoạt động, bảo vệ của đĩa MD:
 Cấu trúc dữ liệu và hoạt động của đĩa MiniDisc cũng giống như ổ đĩa cứng của máy tính. Phần lớn dữ liệu chứa trong đĩa liên quan đến âm nhạc, phần nhỏ còn lại chứa bảng mục lục (TOC: Table Of Content), bảng này sẽ cung cấp cho máy ghi/phát MD các thông tin về số lượng và vị trí của các tracks trên đĩa. Người dùng có thể đặt tên cho đĩa và các tracks. Người dùng cũng có thể dễ dàng thêm vào, xóa đi, nối và phân chia các tracks. Người dùng cũng còn có thể thay đổi thứ tự ưu tiên của các tracks khi phát. Các tracks bị xóa thực ra là chưa bị xóa vào thời điểm người dùng xóa bài mà nó chỉ bị đánh dấu lại. Khi đĩa đầy, máy ghi/phát MD chỉ đơn giản là chuyển các tracks dữ liệu vào vị trí các tracks dữ liệu đã bị xóa (bị đánh dấu) trước đó. Điều này có thể dẫn đến một số phân mảnh trên đĩa MD, nhưng việc phân mảnh chỉ bị ảnh hưởng khi có quá nhiều sự ghi/xóa và thay thế được thực hiện. Việc phân mảnh sẽ làm cho máy ghi/phát MD phải tìm kiếm track lâu hơn dẫn tới các máy chạy pin sẽ bị tiêu tốn pin nhiều hơn.
 Vào phần cuối ghi âm, sau khi nhấn nút "STOP", lúc này đĩa MD có thể vẫn tiếp tục ghi dữ liệu âm nhạc từ bộ nhớ đệm vào đĩa trong vài giây. Trong thời gian này, nó có thể hiển thị một thông báo: “Data Save” (Lưu dữ liệu) khi này máy ghi/phát sẽ không cho mở lấy đĩa. Sau khi dữ liệu âm thanh đã được ghi xong, bước cuối cùng là ghi bảng mục lục TOC biểu thị điểm bắt đầu và điểm cuối của dữ liệu được ghi. SONY có lưu ý trong hướng dẫn sử dụng rằng để quá trình ghi hoàn thiện, không được ngắt nguồn điện trong thời gian này.
 Tất cả các máy ghi/phát MD đều sử dụng hệ thống bảo vệ sao chép SCMS trong đó sử dụng hai bits cho dòng dữ liệu âm thanh kỹ thuật số S/PDIF và trên đĩa để phân biệt giữa âm thanh "được bảo vệ" với "không được bảo vệ" và giữa "bản gốc" và "bản sao" bao gồm:
 - Ghi âm kỹ thuật số từ một nguồn có đánh dấu "được bảo vệ" và "bản gốc" đã được cho phép, nhưng máy ghi/phát MD sẽ thay đổi "bản gốc" một chút sang trạng thái "bản sao" trên đĩa để ngăn chặn sự sao chép các bản sao sau này.
- Ghi âm kỹ thuật số từ một nguồn đánh dấu "được bảo vệ" và "bản sao" không được phép, khi này trên mà hình hiển thị của máy ghi/phát sẽ xuất hiện một thông báo lỗi.
 - Ghi âm kỹ thuật số từ một nguồn có đánh dấu "không được bảo vệ" cũng được phép ghi, khi này việc đánh dấu "bản gốc / bản sao" bị bỏ qua và không có gì thay đổi trong khi ghi.
 Việc ghi âm từ một nguồn tương tự (analog) sẽ làm đĩa ghi được đánh dấu "được bảo vệ" và là "bản gốc", cho phép thực hiện thêm một bản sao nữa (điều này là trái ngược với cơ chế SCMS trên Digital Compact Cassette, khi mà ghi analog được đánh dấu là "không được bảo vệ").
 Trong các máy ghi/phát MD mà có khả năng kết nối với một máy tính PC thông qua một dây cắm USB, mặc dù nó có thể truyền âm thanh từ máy tính PC tới các máy ghi/phát MD, nhưng trong nhiều năm nó đã không thể làm được điều này. Hạn chế này tồn tại trong cả phần mềm SonicStage và chính trong phần cứng các máy nghe nhạc MiniDisc. Phần mềm SonicStage V3.4 là phiên bản đầu tiên gỡ bỏ được hạn chế này nhưng nó vẫn cần máy ghi/phát MiniDisc cũng phải là loại đã loại bỏ các hạn chế này trong chính phần cứng của chúng. Trong thiết bị Hi-MD thì mẫu máy MZ-RH1 là loại máy đầu tiên có khả năng như vậy (có khả năng truyền dữ liệu từ máy tính PC qua máy ghi/phát MD).
 Công nghệ chống nhảy đĩa (bỏ đĩa):
 Công nghệ MD có tính năng ngăn ngừa việc nhảy đĩa (bỏ đĩa) dưới tất cả các điều kiện khắc nghiệt nhất. Các máy chơi đĩa CD cũ cũng đã từng có không ít những phiền toái cho người dùng như: nhận sai track, bỏ track do bị rung và sốc. Công nghệ MiniDisc giải quyết vấn đề này bằng cách đọc dữ liệu vào một bộ nhớ đệm. Bộ nhớ đệm này có tên gọi là bộ chuyển đổi Digital to Analog (Bộ chuyển đổi DA – số sang tương tự) ở tốc độ tiêu chuẩn phù hợp với định dạng của đĩa. Kích thước của bộ nhớ đệm này thay đổi theo từng mẫu máy.
 Nếu máy ghi/phát MD bị va đập, việc phát đĩa vẫn có thể tiếp tục không bị cản trở trong khi tia laser tự định vị lại vị trí mắt đọc của mình để tiếp tục đọc dữ liệu từ đĩa. Tính năng này cho phép máy ghi/phát MD dừng mô tơ trục chính trong thời gian dài để tăng tuổi thọ của pin. Khái niệm bộ nhớ đệm được giới thiệu bởi chính công nghệ MiniDisc đã nhanh chóng được tích hợp cho máy nghe nhạc CD cầm tay cũng như các máy nghe nhạc kỹ thuật số sử dụng đĩa cứng.
 Tất các các đầu ghi/phát MD khi chế tạo đều có một bộ nhớ đệm với dung lượng chứa ít nhất là sáu giây đồng hồ phát dữ liệu dù nó là máy cầm tay (Portable) hay máy cố định (stationary full-sized) . Điều này là rất cần thiết để đảm bảo việc phát đĩa MD không bị gián đoạn kể cả đĩa bị phân mảnh.

CÁC ĐỊNH DẠNG MỞ RỘNG CHO ĐĨA MD:

Công nghệ MDLP:

Năm 2000, Sony đã công bố định dạng MDLP (MiniDisc Long Play), thêm chế độ ghi âm mới, dựa trên một công nghệ mã hóa (codec) mới được gọi là ATRAC3. Ngoài chế độ phát nhạc tiêu chuẩn, chế độ phát chất lượng cao, bây giờ được gọi là chế độ SP, MDLP và LP2, cho phép thời gian ghi tăng lên gấp đôi (160 phút trên một đĩa 80 phút) với âm thanh stereo chất lượng tốt, còn chế độ LP4 cho phép tăng bốn lần thời gian ghi âm (320 phút trên một đĩa 80 phút) với âm thanh stereo chất lượng trung bình.

Tốc độ (Bitrate) của chế độ SP tiêu chuẩn là 292 kbit/s và nó sử dụng mã hóa âm thanh stereo riêng biệt cho các kênh trái và phải. Chế độ phát LP2 sử dụng tốc độ (bitrate) là 132 kbit/s và cũng sử dụng mã hóa âm thanh stereo riêng biệt cho các kênh trái và phải. Chế độ phát mới LP4 có tốc độ (bitrate) là 66 kbit/s và sử dụng mã hóa âm thanh stereo chung cho cả hai kênh trái và phải. Chất lượng âm thanh của chế độ phát LP4 là kém hơn so với hai chế độ phát đầu tiên, nhưng lại có ưu điểm chứa được nhiều dữ liệu âm thanh trên đĩa cho những người dùng không đòi hỏi chất lượng cao.

Các đầu đọc đĩa MD mà không có chức năng phát chế độ MDLP thì cũng không đọc được các đĩa đã ghi ở chế độ LP2, LP4.

Công nghệ NetMD:

Công nghệ này cho phép các máy ghi/phát NetMD có khả năng truyền tải các file nhạc từ một máy tính đến một máy ghi/phát MD (chỉ truyền theo một hướng mà không truyền ngược lại được) thông qua kết nối USB. Trong chế độ phát LP4, tốc độ có thể lên đến 32 lần thời gian thực. Ba đầu ghi/phát SONY NetMD (MZ-N10, MZ-N910 và MZ-N920) có khả năng đạt tốc độ lên đến 64 lần thời gian thực. Các máy ghi/phát NetMD đều hỗ trợ tất cả các định dạng đĩa MDLP.

Công nghệ NetMD là một giao thức độc quyền, để sử dụng nó cần phải có phần mềm bản quyền, như phần mềm SonicStage. Do vậy, nó chỉ sử dụng được cho máy chạy hệ điều hành Windows. Tính đến tháng 12 năm 2005, một phiên bản miễn phí dùng cho hệ điều hành NIX (gần giống với hệ điều hành UNIX) cũng đã được thực hiện và phát triển nhưng nó không thể sử dụng để upload âm nhạc.

Công nghệ Hi-MD:

Trong năm 2004, SONY đã công bố một định dạng lưu trữ dữ liệu Hi-MD một hướng phát triển tương lai của các định dạng đĩa MiniDisc. Với việc phát hành định dạng này vào sau năm 2004, đã mang đến khả năng phát triển mới, dung lượng đĩa đã tăng cao lên đến 1 gigabyte trên một đĩa Hi-MD. Đĩa này cũng có kích thước như một đĩa MD thông thường. Định dạng Hi-MD sau đó đã bị coi là lỗi thời và các máy ghi ghi/phát MD cuối cùng đã bị ngưng sản xuất vào năm 2011. Các đĩa Hi-MD phát hành đã có dự kiến ​​sẽ thu hồi trong tháng 9 năm 2012. Mặc dù vậy việc sản xuất các đĩa MD thông thường (không phải là Hi-MD) vẫn được phát hành đến tháng 3 năm 2013 mới ngừng sản xuất.


CÁC PHƯƠNG THỨC KỸ THUẬT GHI ĐĨA MD:

Bảng dưới đây tổng hợp các phương thức kỹ thuật ghi/phát đĩa Minidisc:

 
GIỚI THIỆU MỘT SỐ ĐẦU GHI/PHÁT MD DÒNG HI END CỦA SONY:

1- SONY MDS-JA3ES DECK:
SONY MDS- JA3ES là hàng HI END được xuất xưởng năm 1995, bán với giá 108.000 Yên Nhật


2- SONY MDS-JA20ES DECK:
SONY MDS- JA20ES là hàng HI END được xuất xưởng năm 1998, bán với giá 700 USD
 



3- SONY MDS-JA22ES DECK:
SONY MDS- JA22ES là hàng HI END được xuất xưởng năm 1998, bán với giá 89.000 Yên Nhật





4- SONY MDS-JA30ES DECK:
SONY MDS- JA30ES là hàng HI END được xuất xưởng năm 1997, bán với giá 120.000 Yên Nhật
 





5- SONY MDS-JA33ES DECK:
SONY MDS- JA33ES là hàng HI END được xuất xưởng năm 1998, bán với giá 120.000 Yên Nhật

 

 

6- SONY MDS-JA333ES DECK:
SONY MDS- JA333ES là hàng HI END được xuất xưởng năm 2000, bán với giá 100.000 Yên Nhật




 


7- SONY MDS-JA50ES DECK:
SONY MDS- JA50ES là hàng HI END được xuất xưởng năm 1996, bán với giá 180.000 Yên Nhật

 

8- SONY MDS-JA555ES DECK:
SONY MDS- JA555ES là hàng HI END được xuất xưởng năm 1999, bán với giá 120.000 Yên Nhật


  

PHỐI GHÉP THIẾT BỊ MD VỚI HDD PLAYER ĐỂ CHƠI NHẠC LOSSLESS:

Các đầu chơi đĩa MD hầu như đều có các ngõ vào số đồng trục (COAXIAL), cổng quang (OPTICAL) hoặc cả hai ở phía sau thiết bị như hình dưới đây:


Như hình trên thì phía sau máy có tới hai cổng quang (Optical) vào. 
Để đấu nối ta nối cổng đồng trục (COAXIAL) hoặc cổng quang (OPTICAL) ra của đầu HDD Player đưa vào đầu vào tương ứng trên đầu MD.

Tín hiệu audio số PCM từ đầu HDD Player sẽ được đưa sang thiết bị MD giải mã ra tín hiệu 2 kênh Stereo để đưa ra đầu ra analog phía sau thiết bị MD.

Từ đầu Analog ra của thiết bị MD sẽ được đấu nối tới đầu vào của Amply để sẵn sàng khuếch đại

Đối với một số đầu MD (như một số model của hãng DENON, TEAC chẳng hạn) để đưa tín hiệu analog ra ta phải dùng đĩa mồi MD đưa vào thiết bị và nhấn nút ghi (ở chế độ tạm dừng) để lợi dụng tín hiệu ghi MD cho ra tín hiệu Analog đưa tới amply.

Đối với một số đầu MD (như các model của hãng SONY) để đưa ra tín hiệu analog ta không phải dùng đĩa mồi mà chỉ cần nhấn phím REC (hoặc DA) trên mặt máy để đưa ra tín hiệu analog và cũng được đưa tới amply.

Chất lượng tín hiệu phụ thuộc chủ yếu vào chất lượng DAC của đầu MD. Trên thực tế với các đầu MD dòng High-End đã nêu ở trên đều cho ra chất lượng khá tốt trong tầm giá. 

Với các đầu MD đắt tiền như SONY MD JA50ES, JA555ES thì cho chất lượng giải mã tín hiệu analog ra rất tốt.
''Trích dẫn từ blog cá nhân 
http://caosonhd.blogspot.com/2014/02/v-behaviorurldefaultvmlo.html"